Như một thói quen

Ai cũng nghĩ việc nhậu nhẹt thường là khi có tiệc tùng, lúc đông người hay có bạn bè ngồi chung. Tuy vậy, vẫn có nhiều bạn trẻ lại tìm đến cuộc nhậu chỉ một mình.

Khi đặt câu hỏi từ bao giờ bạn bắt đầu nhậu một mình?, thì câu trả lời chung của nhiều bạn trẻ là khi thất tình. Bạn Ngô Kiên Giang, 25 tuổi, làm việc tại một công ty truyền thông ở Q.1, TP.HCM, cho biết đã bước qua 3 mối tình. Sau mỗi lần chia tay với người yêu, cảm xúc buồn Giang thường ra quán nhậu, ngồi một mình 'tu' đến ngà say mới về.

“Lúc đầu tôi nghĩ, ra quán ngồi một mình người ta nhìn vào đánh giá này nọ. Nhưng vì buồn quá, chẳng còn cách nào nên đi luôn. Mà lạ lắm, thất tình chẳng muốn chia sẻ cùng bạn bè. Bởi có kể ra nhiều khi họ lại cho mình yếu đuối, bi lụy và truyền đến họ cảm xúc tiêu cực”, Giang bộc bạch.

Một mình cũng nhậu ẢNH: TẤN HIỆP


Giang nói thêm: “Lần đầu nhậu mình buồn lắm, chẳng biết làm gì cứ nốc ừng ực mong nhanh say, nhanh quên đi buồn phiền”. Nhưng sau những lần thử nhậu một mình, dần dà Giang đã quen với việc này. Có những lúc không thất tình, nhưng thấy mệt mỏi với nhiều lo toan, Giang cũng ra quán nhậu một mình để giải sầu.

tin liên quan

Lạ lùng chuyện nhậu online!

“Bình thường tôi vẫn đi nhậu với bạn bè. Nhưng thi thoảng vẫn ghé hàng quán nào đó để uống một mình. Tôi không phải dạng 'nghiện' nhậu, mà là muốn tìm một góc riêng, muốn hiểu bản thân mình hơn, ngẫm lại những được mất trong cuộc sống. Uống cà phê một mình cũng là cách tìm không gian riêng, nhưng sẽ không tìm được cảm xúc dâng trào như khi đi nhậu…”, chàng trai 25 tuổi giải thích.

Không chỉ có nam giới uống một mình, mà nhiều bạn nữ cũng chọn cách giải sầu khi buồn tình. Và khi thất tình, quá đau khổ trong tình yêu, chẳng biết làm cách nào để giải tỏa nên họ tìm tới bia rượu để “uống cho quên đi cay đắng đời mình”, “uống cho thôi buồn bã”…

P.T.P.A, nữ sinh Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chia sẻ vừa mới đây cô gặp chuyện buồn trong tình cảm nên mua bia về phòng trọ để uống: “Khi chia tay người yêu, mình thất vọng nhiều thứ, chỉ biết tìm đến bia. Ra ngoài nhậu thì sợ bị đánh giá không tốt. Buồn quá buồn, bạn bè không ai biết nhậu, nên mình lủi thủi nhậu một mình ở phòng trọ,”.

Bằng nhiều cách thức khác nhau, có người chọn nhậu một mình ở nhà, có người chọn ở quán, nhưng họ đều có điểm chung mang một nỗi niềm riêng khó tả.

Thường hay nhậu và có thói quen nhậu một mình, Đỗ Văn Hai, 28 tuổi, làm tại một công ty giày ở Dĩ An, Bình Dương, cho biết chán ngán cảnh đông đúc nên chọn nhậu một mình ở nhà. “Nhậu mình có cái hay là mình biết lường tửu lượng, biết kiềm chế được cảm xúc không uống quá đà, tính trầm hơn. Tôi thấy bạn bè tôi, ai rủ cũng nhậu. Thay vì đi nhậu đông người mà chẳng tìm được niềm vui lợi ích gì, khi say còn chạy xe dễ tai nạn, đi nhiều tăng tốn kém…”, Hai nói về quan điểm của mình. Tôi thắc mắc việc uống một mình vậy có dễ trở thành “sâu rượu” không? Hai đáp: “Thường xuyên đi nhậu cũng thành sâu rượu chứ nói chi đến việc nhậu một mình. Nhưng người biết nhậu một mình, họ chỉ uống khi buồn quá nhiều chuyện thôi”.

“Nhìn như ông già”

Tuy những người trong cuộc nhìn nhận có nhiều cái hay trong việc nhậu một mình, nhưng người chưa từng uống một mình lại có ý kiến khác. Họ cho rằng uống một mình nhìn như “mấy ông già”; “tự kỷ”; “nghiện nhậu”…

“Không ít lần tôi thấy có người ngồi một mình nhậu ở quán xá. Những người đó có điểm chung là tâm trạng buồn, lộ rõ nhiều tâm sự. Tôi thường đi nhậu, nhưng chưa nhậu một mình bao giờ, cũng không biết cảm xúc đó sẽ như thế nào. Nhưng nhìn cảnh ngồi một mình uống nhìn như ông già, thấy chán đời quá”, Nguyễn Thanh Quang, 23 tuổi, cho biết.

Phan Ngô Văn Bình, sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM, thì cho rằng việc nhậu nhẹt là lúc đông vui và tìm niềm vui. “Một mình nhậu giống như bị tự kỷ. Đặc biệt thất tình mà nhậu cứ như đang hành xác bản thân. Tôi từng thử nhậu một mình nhưng uống được một ly là không uống được nữa. Tôi cũng từng thất tình nhưng không chọn nhậu để giải quyết nỗi buồn. Tôi lao vào công việc để nỗi đau không tìm đến. Tôi cũng đi du lịch làm mới bản thân. Biết bao nhiêu cách sao lại chọn nhậu một mình. Khi đông đủ bạn bè, nhậu để vui, để thoải mái chứ”, Bình nhìn nhận.

Là một chuyên gia trong lĩnh vực y tế, tiến sĩ - bác sĩ Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, cho biết những người trẻ cần hạn chế những thức uống có chất cồn, chất kích thích, đặc biệt là bia rượu. Vì những chất kích thích ấy sẽ ảnh hưởng đến hành vi của con người, dẫn đến những hành động mất kiểm soát. “Rượu bia gây ức chế hoạt động hệ thần kinh trung ương khi sử dụng quá liều lượng”, ông Niên nhấn mạnh.

Ý kiến

“Nhậu một mình đã buồn sẽ buồn hơn. Đó không phải cách giải quyết vấn đề mà là chạy trốn vấn đề. Thay vì vậy các bạn hãy vạch ra kế hoạch cụ thể để giải quyết vấn đề, chỗ nào bí quá thì tìm những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực đó để nhờ họ tư vấn, cho ý kiến”.

Nguyễn Tuấn Phongnhân viên một quán cà phê trên đường Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp, TP.HCM

“Đã buồn mà nhậu một mình ở phòng trọ thì dễ dẫn đến trầm cảm, tự kỷ. Vì mình chỉ biết ngồi lủi thủi một mình, chẳng giao tiếp cùng ai. Thay vì vậy hãy chia sẻ nỗi buồn với những người thân. Bạn cũng có thể đọc một cuốn sách, viết nhật ký để giải tỏa ưu phiền, có thể đi ăn uống thật no, hoặc đi du lịch làm mới bản thân để quên nỗi buồn… chẳng hạn”.

Trần Minh Triệu, sinh viên Trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM

"Mỗi người đều có cách giải quyết nỗi buồn riêng, miễn sao cảm thấy thoải mái là được. Nhưng mình cho rằng không nên quá lạm dụng việc nhậu một mình".

Nguyễn Ngọc Thanh Tuyền, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM